Ung thư khi mang thai dù không phổ biến nhưng không phải là không thể gặp. Vậy người phụ nữ trong quá trình mang thai có thể mắc các bệnh ung thư nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho độc giả thông tin cơ bản về ba loại ung thư có thể mắc trong thai kỳ.
1. Ung thư tuyến giáp
Những biến đổi nội tiết ở phụ nữ theo từng thời kỳ, giai đoạn phát triển như dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh, mãn kinh hoặc thậm chí là do ảnh hưởng từ thuốc tránh thai… Tất cả đều có tác động tới hormone tuyến giáp, từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tuyến giáp, trong đó có ung thư tuyến giáp.
Đó cũng là lý do phụ nữ mang thai có thể mắc ung thư tuyến giáp. Số liệu thực tế cho thấy ung thư tuyến giáp là bệnh lý ác tính phổ biến thứ hai được chẩn đoán trong khoảng thời gian mang thai với tỷ lệ mắc vào khoảng 14/100.000 phụ nữ mang thai.
Dấu hiệu:
Khối u phát triển làm tuyến giáp có sự thay đổi về kích thước và hình dáng.
Sưng hạch bạch huyết vùng cổ.
Đau vùng cổ.
Khàn giọng, nói khó.
Khó nuốt, khó thở…
Ung thư tuyến giáp là bệnh ác tính phổ biến thứ hai được phát hiện trong thai kỳ
Phương pháp chẩn đoán:
Xét nghiệm máu: Kiểm tra mức độ của các loại hormon tuyến giáp.
Siêu âm vùng cổ: Kiểm tra các đặc điểm khối u như kích thước, sự xâm lấn… trong tuyến giáp và hạch bạch huyết vùng cổ. Đồng thời xác định vị trí thích hợp cho sinh thiết.
Sinh thiết khối u: Xác định các tế bào trong khối là lành tính hay ác tính.
Xét nghiệm khác: Chụp CT, chụp MRI…
Phương pháp điều trị:
Phẫu thuật tuyến giáp: Có thể được thực hiện trong thai kỳ khi kích thước khối u lớn, chèn ép nhiều. Tuy nhiên, không nên phẫu thuật trong tam cá nguyệt đầu vì nguy cơ sảy thai cao.
Sử dụng hormone tuyến giáp: Đây là phương pháp an toàn, có thể được sử dụng trong suốt quá trình mang thai.
Liệu pháp phóng xạ: không được thực hiện ở phụ nữ mang thai và cho con bú.
Tìm hiểu thêm: Điều trị ung thư tuyến giáp có sinh con được không?
2. Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung cũng là một trong ba bệnh ác tính phổ biến trong thai kỳ với tỷ lệ mắc ước tính khoảng từ 0,8 đến 1,5 trường hợp trên 10.000 ca sinh. Các nghiên cứu chỉ ra rằng ung thư cổ tử cung được chẩn đoán trong thai kỳ không tiến triển nhanh hơn và không có khả năng lây lan hơn ung thư cổ tử cung ở phụ nữ không mang thai.
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung ở người mang thai:
Chảy máu âm đạo bất thường.
Thay đổi tính chất dịch tiết âm đạo.
Đau vùng chậu, thắt lưng, hoặc vùng bụng dưới…
Ung thư cổ tử cung là một trong ba loại ung thư hay gặp ở phụ nữ mang thai
Phương pháp chẩn đoán:
Xét nghiệm Pap (còn gọi là xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung): Giúp tìm những tế bào bất thường trong lớp biểu mô cổ tử cung.
Soi cổ tử cung: Kiểm tra sự bất thường ở cổ tử cung và giúp hướng dẫn sinh thiết.
Sinh thiết cổ tử cung: Đây là một tiêu chuẩn giúp chẩn đoán xác định ung thư.
Xét nghiệm khác: Chụp CT, MRI…
Phương pháp điều trị:
Với các khối u nhỏ có thể được điều trị bằng phương pháp sinh thiết nón.
Với các khối u lớn, hóa trị được áp dụng để tiêu diệt và kiểm soát ung thư đến khi em bé ra đời. Tuy nhiên, hóa trị không được thực hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên vì có ảnh hưởng đến thai nhi.
3. Ung thư vú
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất được phát hiện trong thời kỳ mang thai. Ước tính cứ 3000 phụ nữ mang thai sẽ có một người được chẩn đoán mắc ung thư vú. Trong quá trình mang thai, vú thường có sự thay đổi nhất định làm cho việc nhận biết và chẩn đoán ung thư vú giai đoạn này khó khăn hơn khi không có thai. Người bệnh cần lưu ý điều này để chủ động phát hiện sớm những thay đổi bất thường vùng vú để đi khám.
Thay đổi kích thước, hình dạng của vú như vú to lên bất thường, không cân xứng hay xuất hiện các “cục nút” trong tuyến vú…
Da bề mặt vú thay đổi, xuất hiện các vết lõm hay da đỏ, phù nề…
Tụt núm vú, co vẹo đầu núm vú.
Chảy dịch núm vú bất thường…
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất trong thai kỳ
Phương pháp chẩn đoán:
Chụp XQuang tuyến vú với tấm chắn ở bụng: phát hiện các bất thường ở vú như các khối cản quang.
Siêu âm: đánh giá tình trạng mô vú, phân biệt các khối u vú dạng đặc và dạng nang.
Sinh thiết khối u: chẩn đoán xác định u lành hay u ác.
Xét nghiệm khác: chụp CT, MRI…
Phương pháp điều trị:
Phẫu thuật có thể được thực hiện bất kỳ lúc nào trong thai kỳ.
Hóa trị có thể được thực hiện trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba, không áp dụng với tam cá nguyệt đầu tiên vì gây hại cho thai nhi.
Xạ trị, liệu pháp hormon, liệu pháp miễn dịch và nhắm mục tiêu được thực hiện sau khi sinh.
Trên đây là 3 loại ung thư phổ biến có thể mắc khi mang thai. Dù bản thân ung thư rất ít ảnh hưởng đến sự phát triển thai nhi, nhưng các phương pháp chẩn đoán và điều trị lại có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Nên phụ nữ đang mang thai không được chủ quan với tình hình sức khỏe của mình mà cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bất thường và điều trị kịp thời.