Chọn dụng cụ ăn dặm cho bé khiến mẹ tập 1 loay hoay, sợ mua thừa thì lãng phí, mà mua thiếu thì lại mất công mua tiếp. Mẹ đừng lo! Bài viết này sẽ gợi ý danh sách các dụng cụ mẹ cần chuẩn bị cho bé 6 tháng ăn dặm, đảm bảo thuận tiện nhất cho việc ăn dặm của con.
1. 9 dụng cụ cho bé ăn dặm kiểu Nhật cho bé 6 tháng
Phương pháp ăn dặm kiểu Nhật phối hợp đa dạng các loại thực phẩm để tạo nên thực đơn hấp dẫn hơn, kích thích bé ăn ngon, tiêu hoá tốt và hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng. Do đó, phương pháp này cần mẹ chuẩn bị nhiều dụng cụ ăn dặm hơn so với phương pháp ăn dặm khác đó ạ.
Dưới đây là danh sách 9 món đồ để mẹ tham khảo và chuẩn bị cho bé yêu:
1 – Máy xay, nghiền thức ăn dặm cho bé: Mẹ sẽ phải sử dụng đến máy xay rất nhiều trong thời gian đầu của kỳ ăn dặm đấy ạ. Máy xay của bé chỉ cần nhỏ nhỏ (máy xay cầm tay) thôi, mẹ lưu ý không dùng chung máy xay với của gia đình để tránh làm ảnh hưởng đến mùi vị thức ăn của bé.
Máy xay, nghiền thức ăn dặm cho bé
2 – Nồi để nấu cháo ăn dặm cho bé: Trong thời gian đầu ăn dặm, bé chỉ có thể ăn cháo loãng. Đó là lý do chiếc nồi nấu cháo này sẽ là trợ thủ đắc lực cho mẹ. Nồi của bé chỉ cần nhỏ xinh, khoảng 2 lít là được mẹ nhé!
Nồi để nấu cháo ăn dặm cho bé
3 – Thìa và muỗng định lượng thức ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật: Những dụng cụ này sẽ giúp mẹ xác định lượng thức ăn mỗi bữa của bé dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, chúng còn giúp mẹ xác định độ đậm nhạt, loãng đặc của thức ăn cho bé đấy ạ.
4 – Cân định lượng thức ăn: Chuyên gia khuyên mẹ cho bé ăn lượng thức ăn phù hợp với từng tháng tuổi. Đó là lý do cân định lượng thức ăn cần thiết trong giai đoạn ăn dặm của con.
5 – Nồi xoong, chảo, dao, thớt – dụng cụ cho bé ăn dặm kiểu Nhật: Đây là những dụng cụ không thể thiếu trong việc chuẩn bị cho bé ăn dặm và chế biến thức ăn cho bé. Mẹ nên chuẩn bị 1 bộ dụng cụ nấu đồ ăn dặm cho bé riêng biệt, tránh dùng chung với đồ nấu ăn của gia đình vì sẽ ảnh hưởng đến mùi vị thức ăn của con. Danh sách bao gồm:
Chày + cối: Sử dụng để giã hoặc nghiền nát thực phẩm.
Bát trộn: Sử dụng để trộn nhiều loại thực phẩm với nhau.
Rây lọc: Sử dụng để lọc và loại bỏ bã thực phẩm sau khi đã giã hoặc nghiền nát.
Đĩa mài: Sử dụng để mài nhuyễn các loại thực phẩm như củ quả.
Dụng cụ vắt nước trái cây: Dùng để cắt cam, quýt hoặc một số loại quả có múi.
Thớt, dao: Để thái thức ăn, rau củ,..
6 – Thìa, bát: Cho bé ăn dặm thì không thể thiếu thìa bát được rồi. Mẹ chọn cho bé bộ thìa bát bằng nhựa an toàn, có đế mút ở dưới. Vì thời gian đầu tập ăn bé sẽ thích nghịch, thậm chí óc thể quăng bát đũa đi đó ạ. Lưu ý nhỏ cho mẹ: Mẹ chọn loại nhựa có thể chịu được nhiệt 150 độ C để dùng được trong lò vi sóng mẹ nhé.
Thìa và muỗng định lượng thức ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật
7 – Hộp đựng thức ăn cho bé ăn dặm kiểu Nhật: Đối với một số mẹ bận rộn thì hộp đựng thức ăn trữ đông là một giải pháp khá hữu ích. Mẹ chỉ cần sắm một bộ hộp và chia khẩu phần ăn mỗi bữa của bé vào mỗi hộp. Mẹ hãy chọn những hộp thức ăn trữ đông nhỏ, vừa xinh và có nhiều ngăn mẹ nhé. Lưu ý là mẹ hãy lựa chọn những dụng cụ ăn dặm, hộp nhựa có tính an toàn cao, bảo đảm thực phẩm tốt.
8 – Yếm máng: Yếm máng sẽ giúp mẹ “gom” đồ ăn rơi vào yếm, tránh làm bẩn tay, ghế và quần áo của bé. Khi chọn yếm, mẹ ưu tiên chất liệu nhựa hoặc nilon mềm để tránh thấm nước vào trong quần áo của con mẹ nhé!
9 – Ghế cho bé ăn dặm kiểu Nhật: Chiếc ghế này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc cho bé ăn uống, giúp bé ngồi đúng tư thế và thoải mái nhất khi ăn. Mẹ ưu tiên loại ghế có thể điều chỉnh độ cao thấp để bé dễ ngồi hơn mẹ nhé!
Chuẩn bị 1 chiếc ghế thật xinh cho bé mẹ nhé
2. 3 Dụng cụ cho bé ăn dặm tự chỉ huy cho bé 6 tháng
Với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, mẹ có thể sẽ không cần mua bất kỳ một dụng cụ hỗ trợ đặc biệt nào. Mẹ chỉ cần chuẩn bị những dụng cụ thông dụng dưới đây thôi ạ!
1 – Ghế ăn: Mẹ nên chọn loại ghế nhỏ gọn, dễ vệ sinh, di chuyển thuận tiện, ưu tiên loại có các nấc điều chỉnh độ cao khác nhau để dùng được lâu hơn – vì bé lớn rất nhanh đó ạ!
2 – Yếm máng: Yếm máng là loại yếm phù hợp nhất với phương pháp ăn dặm tự chỉ huy đó ạ. Vì phương pháp này thường ăn rất tự do, bé bốc ném rơi vãi nhiều. Yếm máng sẽ giúp mẹ “gom” đồ ăn rơi vào yếm, tránh làm bẩn tay, ghế và quần áo của bé. Khi chọn yếm, mẹ ưu tiên chất liệu nhựa hoặc nilon mềm để tránh thấm nước vào trong quần áo của con mẹ nhé!
Yếm máng sẽ giúp thức ăn không dính vào quần áo của con
3 – Bát, đĩa, thìa, cốc: Sau khoảng thời gian tập bốc (2 – 3 tháng), mẹ sẽ cần cho bé làm quen với việc ăn bằng thìa, dĩa, bát. Mẹ nên chọn loại bát có đế dính được vào mặt phẳng để tránh rơi vỡ hay tránh bé ném đồ vật lung tung. Ngoài ra, mẹ nên chọn loại bát, thìa có độ nông vừa phải, cán cầm hơi to 1 chút để bé dễ cầm nắm và xúc đồ ăn hơn. Với cốc, mẹ chọn loại có kích thước khoảng 150 – 200ml, ưu tiên chất liệu nhựa không BPA (ký hiệu BPA free) để vừa nhẹ, dễ cầm, vừa đảm bảo an toàn cho con.
Lưu ý: Sau khi bé đã quen với thìa dĩa, mẹ chuyển từ bát sang khay đựng đồ ăn, để riêng từng đồ trên khay chứ không trộn vào 1 bát như phương pháp ăn thông thường.
3. Lưu ý khi chọn dụng cụ ăn dặm cho bé
Khi chọn dụng cụ ăn dặm, mẹ cần chú ý đến tính an toàn khi sử dụng, bởi chúng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn của bé.
Theo chuyên gia, tất cả dụng cụ phải được làm từ vật liệu an toàn như: nhựa không chứa BPA, gỗ tự nhiên, thép không gỉ… với khả năng chịu nhiệt cao trên 150 độ C.
Mẹ chọn dụng cụ có ký hiệu BPA free để an toàn nhất cho bé
Cùng với đó, mẹ nên hạn chế chọn kiểu dáng góc cạnh, vừa khó vệ sinh, vừa dễ làm tổn thương da bé. Trong quá trình vệ sinh dụng cụ ăn dặm, mẹ lưu ý sử dụng nước rửa chuyên dụng, tránh sử dụng nước rửa chén thông thường (chứa chất tẩy rửa mạnh) để an toàn, tránh kích ứng hệ tiêu hoá của con.
Lời khuyên cho mẹ: Tốt nhất, mẹ nên chọn mua dụng cụ ăn dặm cho bé ở địa chỉ uy tín như: Bibo mart, Kids plaza,… để yên tâm nhất về chất lượng sản phẩm.
Trên đây là toàn bộ thông tin về dụng cụ ăn dặm cho bé mẹ cần chuẩn bị. Nếu còn băn khoăn, mẹ để lại bình luận ở dưới để được hỗ trợ mẹ nhé!